Trang chủ>Tin tức>Ngành chuyển phát và vận tải hàng hóa tìm hướng đi mới

Ngành chuyển phát và vận tải hàng hóa tìm hướng đi mới

So với vận tải hành khách, lĩnh vực chuyển phát và vận tải hàng hóa chịu tác động của Covid-19 chậm hơn. Từ cuối tháng 2 đến nay, các doanh nghiệp lĩnh vực này mới bắt đầu có báo cáo thiệt hại từ việc suy giảm các đơn hàng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang tìm nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng (trực thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam – Vietnam Post) cho hay, nhóm ngành giao nhận và chuyển phát hàng hóa chịu tác động chủ yếu từ sự sụt giảm doanh thu, do sản lượng bưu chính quốc tế giảm. Thêm vào đó, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng cũng giảm mạnh khiến lượng bưu phẩm gửi quốc tế bị ảnh hưởng đáng kể. Do vậy, Bưu điện Đà Nẵng đã có những giải pháp kinh doanh phù hợp.

Trong lĩnh vực hành chính công, để hỗ trợ và đồng hành với người dân và đồng thời đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ hành chính trực tuyến, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, Bưu điện Đà Nẵng sẽ chuyển phát văn bản dịch vụ hành chính công tới tận nhà miễn phí, chi phí duy trì hoạt động này từ Bưu điện Đà Nẵng là 50% và thành phố hỗ trợ 50%.

Bên cạnh đó, Bưu điện Đà Nẵng đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ mới, như dịch vụ logistics (vận chuyển, lưu giữ và cung cấp hàng hóa) nguyên chuyến; cải tiến dịch vụ chuyển phát nhanh theo hướng đặc biệt, mở rộng kinh doanh dịch vụ chở hàng nặng… Vietnam Post đã đưa vào hoạt động sàn giao dịch vận tải trên toàn quốc, giúp tối ưu mạng vận chuyển hàng bưu chính liên tỉnh, nội tỉnh của chính mình và các doanh nghiệp khác.

Còn ông Nguyễn Đình Hiền, Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Đà Nẵng (trực thuộc Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel – Viettel Post) cho biết, doanh thu tháng 3-2020 của Bưu chính Viettel Đà Nẵng giảm 5-10% so với thời kỳ cao điểm là tháng 10, tháng 11-2019 và vẫn tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Hiền cho rằng, tuy có tăng so với cùng kỳ nhưng tình hình sắp tới sẽ khó khăn hơn, vì sắp bước vào giai đoạn người dân sẽ tiến hành thắt chặt chi tiêu bởi nhiều yếu tố như: thất nghiệp, thu nhập giảm… Khi thông tin dịch bệnh bùng phát, Viettel Post đã đưa ra các giải pháp để điều chỉnh kinh doanh, lên kế hoach tìm nguồn để bù chi phí…

Đó là tập trung phát triển mạnh các giải pháp công nghệ hóa bưu chính tới khách hàng như ứng dụng (app) Viettel Post, sàn thương mại điện tử Vỏ sò (voso.vn)… Ngoài ra, Viettel Post còn áp dụng khuyến mãi đến 45% cước chuyển phát cho khách hàng từ ngày 20-3 đến ngày 30-4, miễn phí các dịch vụ gia tăng như: ứng dụng bán hàng đa kênh, dịch vụ lưu kho và miễn cáp quang cho một số khách hàng đủ điều kiện… Khi các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, Viettel Post sẽ đẩy mạnh hình thức bán hàng liên kết để các doanh nghiệp, người bán hàng có thể tiêu thụ và sử dụng sản phẩm của nhau một cách thuận tiện.

Đẩy mạnh lưu thông trong nước

Còn với nhóm ngành vận tải hàng hóa, theo khảo sát từ Hiệp hội Vận tải đường bộ Đà Nẵng, các doanh nghiệp được khảo sát đều bị ảnh hưởng khá nặng nề, doanh thu trung bình giảm 10 – 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Ngô Hải, Trưởng chi nhánh Công ty TNHH Ecu Worldwide Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, Ecu Worldwide Đà Nẵng cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải khác đang gặp khó khăn vì đơn hàng giảm 20 – 30% so với trước đây như: giảm 20% các đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và giảm 30% các đơn hàng nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hiện tại, các đơn hàng của công ty chỉ đủ duy trì hoạt động. Còn ông Tô Văn Hiệp, Giám đốc Công ty CP Kho vận Liên Chiểu Xanh cho biết, doanh thu của công ty ông tháng 3-2020 giảm 20-25%. Hiện nay, các tuyến biên giới đều khó tìm được nhà cung cấp vận chuyển, lượng hàng giảm dẫn đến nhu cầu về vận tải đường bộ giảm khoảng 30% nên dịch vụ kho bãi, cước cũng bị ảnh hưởng nặng.

Dưới góc độ là Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ thành phố Đà Nẵng, ông Tô Văn Hiệp cũng đánh giá, do nhiều nhà máy trong và ngoài nước phải tạm ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít đi, dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng giảm. Ngoài ra, kể cả các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tạm ngưng hoạt động thì vẫn phải chịu các chi phí định kỳ như: phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm xe, bảo hiểm hàng hóa…

Trong khi đó, nếu xe hàng nào hoạt động mà hiệu quả thấp thì doanh nghiệp cũng lỗ vì không đủ bù lại chi phí di chuyển và vận hành. Các vấn đề phát sinh khác như một số khách hàng Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính dẫn đến mất khả năng trả nợ cho chủ hàng, nhà cung cấp Việt Nam… kéo theo việc chủ hàng chậm thanh toán cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa.

Ngoài các giải pháp đã đề xuất lên thành phố và Chính phủ như miễn, giảm, hoãn các khoản thuế, phí phải nộp cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bị thiệt hại nặng do Covid-19, ông Tô Văn Hiệp cho biết, các doanh nghiệp cũng đang thực hiện nhiều giải pháp để “tự cứu mình” như đẩy mạnh lưu thông trong nước, một số doanh nghiệp đẩy mạnh mảng thương mại điện tử để tìm kiếm khách hàng mới. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh dự kiến tiếp tục kéo dài đến cuối quý 2 hoặc quý 3 năm nay, thiệt hại của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và nhiều ngành khác sẽ còn tiếp tục tăng.

Theo số liệu từ Cục Thống kê thành phố, doanh thu vận tải hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy tháng 3-2020 ước đạt 438,5 tỷ đồng, giảm 6,1% so với tháng trước, giảm 8,4% so cùng kỳ năm 2019. Ước tính quý 1-2020 đạt 1.431,3 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2019. Khối lượng luân chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy tháng 3-2020 đạt 305,5 triệu tấn/km, giảm 6,2% so với tháng trước, giảm 6,2% so cùng kỳ năm 2019. Ước tính quý 1-2020 đạt 997,5 triệu tấn/km, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Trả lời